Mấy hôm trước tự nhiên mò vào Spam folder của Gmail thấy có bài viết này khá hay, copy lên blog chia sẻ với mọi người. Có vẻ như tình trạng này khá phổ biến nhỉ?
Thời gian bạn làm việc tại công ty có thể còn nhiều hơn thời gian bạn ở nhà. Vì vậy, môi trường công ty gần như là ngôi nhà thứ hai của bạn, và đồng nghiệp là những thành viên trong gia đình ấy. Tất nhiên, trong đại gia đình đó sẽ có những người làm bạn dễ chịu và ngược lại. Thế bạn đã biết cách ứng phó với những thành viên gây phiền hà này chưa?
1. Đồng nghiệp nói nhiều:
Họ thường là những người khá thân thiện và thích chia sẻ thông tin với mọi người. Tuy nhiên, chính sự “hào phóng thái quá” này lại làm phiền bạn, khiến bạn khó có thể tập trung vào công việc. Bạn có thể góp ý trực tiếp, nhưng việc này khiến đồng nghiệp của bạn cảm thấy tự ái. Thay vì vậy, bạn hãy tự nhận lỗi về mình bằng cách nói rằng bạn cảm thấy thật khó tập trung vào công việc khi lắng nghe những câu chuyện hấp dẫn của họ. Bạn có thể đề nghị họ kể chuyện vào một thời điểm khác. Nếu thật sự thích nghe họ nói chuyện, bạn có thể mời họ dùng bữa trưa và cả hai cùng tán gẫu.2. Đồng nghiệp “buôn dưa lê”:
Họ dường như biết “tuốt tuồn tuột” về mọi chuyện, thường là những lời bình phẩm, chỉ trích không tích cực lắm về người khác. Bạn nên biết rằng những thông tin họ đưa ra không hoàn toàn là sự thật. Nếu họ kể với bạn, bạn chỉ nên lắng nghe, không nên hùa theo. Câu cửa miệng của họ là: “Mình chỉ kể chuyện này với bạn, không được kể với ai khác đâu.” Nếu bạn đã quá chán ngán những câu chuyện tiêu cực của họ, bạn có thể chuyển chủ đề bằng cách nói mình cảm thấy không thoải mái khi nói về một người khác sau lưng.3. Đồng nghiệp hay phàn nàn:
Họ là những người không hài lòng về mọi thứ, hoặc sức khỏe, gia đình, hoặc công ty, thậm chí là cả sếp… Nếu đó chỉ là một vài lời phàn nàn nho nhỏ thì không sao, nhưng nếu cứ nghe ai đó than vãn suốt ngày thì chắc chắn bạn sẽ bị căng thẳng, xuống tinh thần. Thật ra, những người này không cần lời khuyên, vì vậy, bạn chẳng cần phải bàn luận gì thêm. Tất cả những gì bạn phải làm là chuyển chủ đề ngay khi họ có “nhen nhóm” muốn phàn nàn, dần dần, họ sẽ hiểu ý bạn thôi.4. Đồng nghiệp thích giao việc:
Thường những người giao việc cho bạn sẽ là ban lãnh đạo, giám đốc, quản lý của bạn, nhưng bên cạnh đó, sẽ có những đồng nghiệp thích “tuồn” việc của họ qua bạn. Có thể họ không làm hết công việc, cũng có thể họ không muốn làm. Nếu công ty bạn khuyến khích làm việc theo nhóm, và nếu bạn có thời gian, hãy giúp họ, còn không, hãy từ chối một cách lịch sự và nhẹ nhàng.5. Đồng nghiệp vô ơn:
Luôn phủ nhận sự giúp đỡ của người khác và luôn chấp nhận mọi lời khen về bản thân khi hoàn thành xong công việc (tuy có sự giúp đỡ của bạn). Nếu là lần đầu, bạn có thể xem như đó là một lỗi nhỏ và nhấn mạnh cho người đó biết công việc hoàn thành là do có phần hỗ trợ của bạn. Nếu họ vẫn cứ lờ sự giúp đỡ của bạn trong những lần sau, hãy cho đồng nghiệp thấy “phần hùn” của bạn trong công việc đó và cuối cùng là thẳng thừng từ chối nếu họ vẫn yêu cầu sự giúp đỡ từ bạn.
Nguồn: vieclambank